Ngày 26/9/2024, đoàn giảng viên Khoa Mỹ thuật & Thiết kế đã tham dự và báo cáo tại Hội nghị Quốc tế do Học viện Văn hoá Châu Á (The Asia Academy of Culture - AAC) tổ chức lần đầu tiên tại Đại học Bangkok (Thái Lan). Đồ án của sinh viên Trường Đại học Văn Lang cũng vinh dự góp mặt trong Tạp chí Hội thảo Quốc tế của AAC.
Học viện Văn hóa Châu Á chuyên nghiên cứu về các nền văn hóa Châu Á, được thành lập bởi Quỹ Văn hóa Quốc tế (ICF) tại Seoul, là tổ chức đã xuất bản sách nghiên cứu về Hàn Quốc cho các thư viện trên toàn thế giới trong 57 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Chun Hong-duck. Chủ tịch Chun phát biểu: “AAC nhằm mục đích tăng cường sự hiểu biết về đa dạng văn hóa của Châu Á thông qua sự tham gia của các học giả, tổ chức dân sự, cơ quan văn hóa và chính trị gia, cung cấp một nền tảng chuyên biệt cho các hội nghị quốc tế liên tục nhằm thúc đẩy sự hợp tác và phối hợp.”

Ngày 26/9/2024, Hội nghị quốc tế đầu tiên của Học viện Văn hóa Châu Á với chủ đề "Văn hoá Châu Á và Đa dạng văn hoá" đã được tổ chức thành công tại Đại học Bangkok, Thái Lan. Sự kiện này quy tụ các học giả, nhà nghiên cứu về văn hóa đến từ 05 quốc gia: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia. 05 giảng viên Trường Đại học Văn Lang đã tham dự và trình bày trong hội nghị này, dẫn đoàn là TS. Nguyễn Đắc Thái – Phó Trưởng Khoa Mỹ thuật & Thiết kế.

Hội nghị có sự góp mặt của các diễn giả uy tín: Ông Chun Hong-duck (Chủ tịch AAC), GS. Chun Hyun-jin (Đại học Hàng không và Vũ trụ Nam Kinh, Trung Quốc; Chủ tịch Hiệp hội Cảnh quan Văn hóa Châu Á), GS. Rittirong Chutapruttikorn (Đại học Bangkok, Thái Lan), TS. Erwin Ismu Wisnubroto (Phó Hiệu trưởng Đại học Tribhuwana Tunggadewi, Indonesia), Bà Daisy Radnawati (Trưởng phòng Quan hệ Công chúng tại Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Indonesia), GS. Nurhayati (Đại học IPB, Indonesia), cùng nhiều diễn giả khác. Hơn 80 học giả, cùng với các chính trị gia đã tham gia vào các cuộc thảo luận sôi nổi để chia sẻ những góc nhìn mới dựa trên sự đa dạng văn hóa của Châu Á.
Hội nghị Quốc tế AAC lần thứ nhất đóng vai trò như một diễn đàn cho việc giao lưu văn hóa và hợp tác học thuật. Các học giả nổi tiếng từ nhiều lĩnh vực khác nhau đã cung cấp những hiểu biết sâu sắc và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề xã hội tương lai từ góc độ "Di sản - Tính liên tục - Tính bền vững". Trong bài phát biểu chào mừng, ông Chun Hong-duck nhấn mạnh: "Hội nghị Quốc tế AAC là không gian để chia sẻ sự đa dạng và sáng tạo của Châu Á, nhằm mục đích kết nối “Trí tuệ Châu Á với Tương lai”. Nền tảng này sẽ cho phép các học giả Châu Á thảo luận về nghiên cứu các nền văn hóa khu vực khác nhau.".
Ông Somyot Watanakhamolchai – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bangkok nhận định: "Hội nghị AAC nhằm mục đích quy tụ các học giả từ khắp Châu Á để khám phá nghiên cứu chuyên sâu và thảo luận về văn hóa Châu Á, tìm kiếm giải pháp cho các thách thức xã hội đa dạng. Cách tiếp cận này sẽ giúp khám phá lại các giá trị và ý nghĩa độc đáo của văn hóa Châu Á và góp phần xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn." Ông cũng nhấn mạnh vai trò của Đại học Bangkok như một trong những trường đại học tư thục lâu đời và uy tín nhất Thái Lan, cung cấp một nền tảng cho việc giao lưu và hợp tác văn hóa với ICF và AAC nhằm tăng cường lòng tin lẫn nhau và thúc đẩy sự phát triển trong tương lai ở Châu Á.
Hội nghị quốc tế AAC tập trung 04 chủ đề chính:
(1) Sự đa dạng và Trí tuệ của Văn hóa Châu Á;
(2) Những góc nhìn nghiên cứu mới về Văn hóa Châu Á;
(3) Khám phá phương pháp nâng cao đa dạng văn hóa;
(4) Vai trò của Văn hóa Châu Á trong xây dựng thế giới hòa bình.

05 tham luận trình bày của các đại diện đến từ Khoa Mỹ thuật & Thiết kế, Trường Đại học Văn Lang đã nhận được phản hồi tích cực về các đóng góp học thuật.
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Environmental graphic design, sustainable development solutions for the community
TS. Nguyễn Đắc Thái – Phó Trưởng Khoa Mỹ thuật & Thiết kế, VLU
Challenges in Integrating Traditional Brocade into Modern Design: An Interdisciplinary Approach to Sustainable Preservation and Innovation in Vietnam
TS. Hồ Thị Thanh Nhàn – Giảng viên Khoa Mỹ thuật & Thiết kế, VLU
The Fine Arts of Ancient Vietnamese Communal Houses in Ho Chi Minh City
ThS. Lương Thị Thanh Bình – Giảng viên Khoa Mỹ thuật & Thiết kế, VLU
Value of Art and Culture in the Traditional Houses of Cham People in Ninh Phuoc District - Ninh Thuan Province, Vietnam
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Thái – Giảng viên Khoa Mỹ thuật & Thiết kế, VLU
Traditional Lacquer in Binh Duong through Applied Products and Decorative Arts
ThS. Phạm Thị Kiều Trang – Giảng viên Khoa Mỹ thuật & Thiết kế, VLU
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Sau hội nghị, Cuộc thi Thiết kế Văn hóa Châu Á (ACDC) lần thứ 2 được diễn ra vào ngày 27/09/2024, với sự tham gia của sinh viên và học viên sau đại học từ 05 quốc gia Châu Á. ACDC quy tụ 50 nhóm tác giả, trưng bày các thiết kế truyền tải hiệu quả các yếu tố văn hóa thông qua góc nhìn mỹ thuật.

Sinh viên Khoa Mỹ thuật & Thiết kế VLU tự hào có 9 đồ án vinh dự góp mặt trong Kỷ yếu The Asia Cultural Design Contest (ACDC) lần thứ 2. Từ những khoá sinh viên đầu tiên, Khoa Mỹ thuật & Thiết kế đã chú trọng đến văn hóa truyền thống trong quá trình đào tạo vì đó là yếu tố khơi gợi ý tưởng sáng tạo phong phú, khác biệt của những sản phẩm đồ họa Việt, là sợi dây nối kết giữa mỹ thuật truyền thống và mỹ thuật ứng dụng hiện đại. Môn học “Nghiên cứu Vốn cổ dân tộc”, “Nghiên cứu Kiến trúc - Nội thất truyền thống” đã trở thành môn học thương hiệu, niềm say mê và tự hào của sinh viên, giảng viên các ngành Thiết kế thuộc Khoa Mỹ thuật & Thiết kế, Trường Đại học Văn Lang.
Bên cạnh 2 sự kiện học thuật chính, nhóm giảng viên chuyên ngành Thiết kế Nội thất trường Đại học Văn Lang đã giao lưu, trao đổi với giảng viên, tham quan không gian giảng dạy và học tập chuyên ngành Thiết kế Kiến trúc - Nội thất tại trường Đại học Bangkok. Sự tương đồng khá cao giữa 2 chương trình đào tạo có thể là nền tảng cho những hoạt động học thuật, trao đổi sinh viên trong tương lai giữa hai trường trong chuyên ngành này.
Khoa Mỹ thuật & Thiết kế
Hình: AAC